Một mã xác thực đã được gửi đến số điện thoại
Không phải là trường phái tấn công mỹ miều trên đôi chân của các “vũ công Samba” đến từ Brazil, không đậm chất hào hoa phóng khoáng như cách “chú gà trống Gaulois” chơi bóng , cũng không làm say mê lòng người như thứ bóng đá tổng lực mà những “người Hà Lan bay” đem lại, đất nước Italia khác biệt với phần còn lại bởi “Catenaccio”, triết lý bóng đá phòng ngự bậc thầy đã trở thành thương hiệu trong mắt giới túc cầu giáo.
Cũng chẳng lấy gì làm xa lạ khi “xứ sở mì ống” chính là nơi sản sinh ra một thế hệ hậu vệ trứ danh đã đi vào ngồi đền huyền thoại như Maldini, Zambrotta, Cannavaro, Nesta, Francesco Coco, những cái tên mà khi nhắc đến vào thời điểm đấy sẽ làm thổn thức con tim của hàng triệu cô gái trên thế giới bởi vẻ ngoài điện ảnh cùng cá tính “đậm chất riêng” trên sân cỏ. Vâng, họ chính là những gì đẹp nhất của thứ bóng đá phòng ngự đầy toan tính đã đi vào thương hiệu ấy.
Paolo Maldini với mái tóc dài lãng tử thời còn thi đấu trong màu áo Rossonerri (Ảnh:Internet)
Dù vậy, thời gian trôi qua, câu nói “hậu vệ Ý càng đẹp càng hay, tiền đạo Brazil càng xấu càng xuất sắc” của người hâm bộ bóng đá những năm 2000 đã không còn chuẩn xác. Hình ảnh những cầu thủ điển trai với mái tóc dài ngày nào đó cũng đã trở thành dĩ vãng, vô tình cũng là thước đo để phủ định vai trò của một thế hệ hậu vệ kế cận của người Ý. Một đại diện tiêu biểu đó chính là gã hậu vệ “đầu húi cua” Giorgio Chiellini.
Giorgio Chiellini: Phong cách chơi bóng đặc trưng
Có rất nhiều câu chuyện để một tifosi kể về các hậu vệ của Azzurri . Một Nesta quá ‘tỉnh’ với việc xoạc bóng rồi sau đó đứng lên vuốt lại mái tóc của mình, ngay cả đó chính là Messi, một người ít khi tỏ thái độ điên tiết khi bị chơi xấu, cũng phải lấy tay đập thình thịch vào mặt sân khi bị anh tước đi cơ hội ngon ăn của mình trước khung thành. Hay một Paolo Maldini chơi quá đẹp khi khẳng định rằng một hậu vệ giỏi là một hậu vệ có thể lấy bóng trong chân đối phương mà không cần phải xoạc bóng hoặc xoạc bóng chỉ khi trước đó anh phạm sai lầm. Nhưng sau tất cả, đó chưa phải là một tính cách lớn của một hậu vệ bóng đá Ý.
Có một hình ảnh các fan bóng đá chân chính không thể quên trong trận chung kết World Cup 2016, không gì khác đó chính là tấm thẻ đỏ rời sân dành cho đội trưởng Zinedine Zidane sau cú “thiết đầu công” của anh dành cho trung vệ Marco Materazzi. Nhưng không có lửa làm sao có khói, tình huống đó vẫn gây tranh cãi một thời gian sau đó khi không một ai trên sân biết rằng Matrix đã nói gì với người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến khiến Zidane phải có một hành động sai lầm như vậy. Có thể không ngoa khi nói rằng sai lầm đó chính là nguyên nhân gián tiếp thay đổi cục diện trận đấu, khiến Pháp mất chức vô địch vào tay một Italia quá thực dụng trong khi họ sở hữu thể lực vượt trội và chơi ép sân toàn bộ.
Trước đó vào phút 80 của trận đấu, Zidane bị đau vai tới mức đã ra dấu hiệu thay người sau pha tranh chấp với Fabio Cannavaro, điều đáng nói ở đây là hậu vệ người Ý đã có pha tiểu xảo cực kín kẽ khi đã quặp lấy cánh tay của anh khi đang trên đà rơi xuống. Sau tình huống đó, Cannavaro tỏ ra hết sức bình tĩnh như chưa có chuyện gì xảy ra.
Thật vậy, với phong cách phòng ngự Catenaccio, người Ý luôn chơi bóng một cách thực dụng và phòng ngự bằng mọi cách có thể để giành chiến thắng. Ngoài kĩ năng phòng ngự, hậu vệ Ý luôn phải giỏi vận dụng tiểu xảo, sẵn sàng chém đinh chặt sắt, chấp nhận xé áo, níu quần hoặc đeo bám đối phương như hình với bóng. Để nói về phương diện này, Chiellini chắc không có đối thủ ở thời điểm hiện tại.
Đối với Chiellini cách đây 5 năm, kinh nghiệm thi đấu ở những đấu trường lớn là có thừa ở một hậu vệ già dơ như anh. Còn nhớ như in bê bối ở World Cup 2014 trong trận đấu Italia để thua Uruguay với tỉ số sát nút 0-1, trước khi ngã xuống do bị Suarez cắn vào vai, trung vệ người Ý đã “tranh thủ” bồi một chỏ vào mặt đối thủ. Sau đó, Chiellini đã lăn lộn, kể lể với trọng tài về vết răng” mà “Su thỏ” đã đóng dấu trên vai của mình mà không ai biết được rằng anh đã trả đũa như thế nào.
Chiellini đã kịp trả đũa sau pha "cẩu sực" của Suarez vào mình nhưng không ai trên sân hề hay biết (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, ở cuộc lội ngược dòng hào hùng mà Juventus đã tạo ra trước Atletico Madrid trong trận lượt về vòng 1/8 Champions League 2019, hàng thủ “Bà đầm già thành Turin” với sự chỉ huy của Giorgio Chiellini xứng đáng nhận được sự khen ngợi khi anh và các đồng đội đã bịt kín mọi nẻo đường vào khung thành của Szczesny, họ còn khiến cho Alvaro Morata và Antoine Griezmann phải “tắt điện”. Cá nhân Morata có một trận đấu thất vọng khi gặp lại CLB cũ, cũng vì quá hiểu Morata mà Chiellini nhiều lần khiến cho chân sút người Tây Ban Nha rơi vào trạng thái ức chế khiến anh buộc phải trả đũa lại bằng một tình huống đẩy ngã Chiellini trước sự chứng kiến của số đông khán giả và cầu thủ dưới sân vào phút 70 của trận đấu. Sau đó trọng tài Kuipers cũng chỉ nhắc nhớ chứ không có một tấm thẻ nào được rút ra. Ngày hôm đó, trông Morata trông thật tội nghiệp trước người đàn anh Chiellini khi câu châm ngôn “gừng càng già càng cay” quá đúng khi nói về sự lọc lõi và già dơ của trung vệ này.
Còn nói về kỹ năng, Chiellini hiện nay đã được công nhận là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất thế giới vì luôn luôn là chốt chặn tin cậy của mọi hàng phòng ngự từ cấp độ CLB đến đội tuyển quốc gia. Khác với mẫu hậu vệ Italia truyền thống như Maldini hay Nesta, Chiellini không có kĩ thuật nổi trội, cũng chẳng phải là một mẫu cầu thủ tốc độ nhưng anh biết làm thế nào để đánh bại tiền đạo đối phương dù đó có là ai. Ngoài ra, Chiellini còn là mẫu hậu vệ với thân hình rắn rỏi, thô ráp, không ngại va chạm và cực kỳ quyết liệt trong từng pha bóng, đúng với cái biệt danh mà người ta thường gọi anh là “King Kong”.
Hãy nhìn vào cái cách mà anh cùng hàng thủ Juventus vận hành trong nhiều năm nay mới thấy được đẳng cấp thật sự của Giorgio Chiellini. Cho đến lúc này, anh chính là tấm khiên bất khả chiến bại trước khung thành của Juve với 383 trận đá chính ở Serie A, và còn là nhân tố quan trọng giúp “bà đầm già thành Turin” lọt vào đến Tứ kết Champions League mùa giải vừa qua. Với Chiellini, anh không cần dùng quá nhiều sức lực nhưng vẫn đảm bảo đối phương không thể tiếp cận được khung thành.
Máu đã đổ trên “đầu húi cua”
Nếu những gì các tifosi nhớ về các trung vệ đội bóng áo xanh thiên thanh ngày ấy là một mái tóc dài lãng tử và một khuôn mặt điện ảnh. Thì bây giờ, hình ảnh đó đã không còn hiện hữu trên Giorgio Chiellini, mà thay vào đó là một cái đầu “húi cua” trông chẳng giống những người đàn anh của gã thời ấy.
Nhưng đúng với câu tục ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, những người hâm mộ anh cũng chẳng thể nhớ nỗi bao nhiêu lần máu đã đổ trên cái “đầu húi cua” ấy. Thậm chí là khi thi đấu với cái cuộc băng bịt kín trên đầu, anh cũng vẫn xông xáo, máu lửa như cái cách một người thủ lĩnh như anh thường làm qua các trận đấu, để bảo toàn mảnh lưới đội nhà bằng mọi giá. Và khi máu chảy trên những đường tóc đinh một phân ấy, hình ảnh đó thật đẹp để đứng ngang với những kiệt tác mà người ta mường tượng vào bóng đá Ý của những thập niên trước.
Cổ động viên "Bà đầm già thành Turin" chắc không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần... (Ảnh:Internet)
...trung vệ này đổ máu vì lăn xả cho đội bóng. (Ảnh: Internet)
Nếu có những lần máu không đổ trên đầu Giorgio Chiellini, thì chẳng thiếu những lần anh thi đấu với cái bông băng đầy máu trên lỗ mũi của mình. Như HLV trưởng đội bóng đá trường Havard, Francesco D’Agostino, đã từng nói: “Không chỉ dạy về đặc sản bóng đá, Chiellini có thể đứng lớp để trình bày một bài giảng trong lĩnh vực y khoa. Hãy nhìn mũi của anh ấy mà xem, nó phải bị gãy đến hàng nghìn lần rồi. Có khi, anh ấy nên hiến tặng nó sau này để phục vụ mục đích khoa học.”
Vậy đấy, chúng ta sẽ khó có thể tin được maột Giorgio Chiellini “mình đồng da sắt” đến thế. Nhưng với anh, những chuyện ấy sẽ là những chuyện rất đỗi bình thường, như cách chúng ta ăn cơm ba bữa mỗi ngày khi mà Chiellini được sinh ra trong nền bóng đá đầy toan tính, thực dụng như cái cách người Italia vẫn đang làm. Chính vì vậy, các chiến binh Azzuri luôn đề cao sự gắn kết của một tập thể mười một người về ý thức chiến thuật khi ra sân, và Chiellini chính là một phần trong hệ thống đó, anh không thể nào chăm chút cho hình ảnh bản thân được đẹp đẽ, vì đối với anh tập thể là trên tất cả.
Một con người Italia chung thủy
Trong sự kiện Calciopoli năm 2006, rất nhiều ngôi sao đã nhảy khỏi con tàu đắm khi Juventus bị đẩy xuống chơi ở Serie B, khi đó Chiellini đã cùng với những Buffon, Trezeguet, Del Piero, Nedved, Camoranesi ở lại để giúp CLB thăng hạng vào mùa sau.
Các ngôi sao của Juventus cùng ăn mừng bàn thắng vào năm 2005 trước khi đại nạn Caliciopoli diễn ra, từ trái qua phải: Fabio Cannavaro, Gianluca Zambrotta, Emerson, Giorgio Chiellini, Pavel Nedved, David Trezeguet và Mauro Camoranesi. (Ảnh: Gettyimages)
Rõ ràng với những đóng góp của mình cho “Lão bà”, Chiellini nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các câu lạc bộ lớn khác nhưng anh vẫn quyết định ở lại với đội bóng, chung thủy cho đến tận bây giờ ngay cả khi ở tuổi 35, anh chưa từng có cảm giác được lên đỉnh châu Âu với đội bóng áo sọc đen trắng.
Dù sao đi nữa, người hâm mộ vẫn sẽ luôn ủng hộ và sát cánh cho đến khi anh kết thúc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình, có thể sẽ là tại Juventus. Với những cống hiến đó, Chiellini luôn xứng đáng được góp mặt vào ngôi đền huyền thoại của thế giới nói chung và Italia nói riêng.
Hành trình của Wayne Rooney - Nguồn cảm hứng vươn mình cho người trẻ
AdminMan Utd đón tin vui trước thềm bán kết Europa League
Admin9 vòng cuối Ngoại Hạng Anh 2024/25: Ai vô địch, ai rớt hạng?
Admin